Là xu hướng phát triển công nghệ ứng dụng được đánh giá cao hiện nay, mini app (hay còn gọi là tiểu ứng dụng) được dự đoán sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai. Thực tế, mini app đã xuất hiện rất nhiều và từ khá lâu và có thể bạn đã ít nhất một lần lướt qua hoặc đã sử dụng nhưng lại không biết đấy!
Mục lục bài viết
I. Mini App là gì?
Bạn có từng nghĩ đến việc có thể sử dụng một ứng dụng mới mà không cần phải tải xuống không? Ứng dụng này vẫn cho bạn một trải nghiệm mượt mà và một giao diện được đầu tư chuẩn chỉnh không thua gì những ứng dụng truyền thống?
Mini app nghe lạ nhưng không hề lạ. Chúng là những “tiểu ứng dụng” được xây dựng trên những “siêu ứng dụng”, tạo nên một hệ sinh thái nằm gọn trong siêu ứng dụng này. Từ đó, người dùng có thể trải nghiệm nhiều tính năng khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau và sử dụng các tiện ích khác nhau chỉ trong cùng một ứng dụng duy nhất trên điện thoại. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng không cần phải tải nhiều ứng dụng, cũng không cần phải đăng nhập nhiều lần để sử dụng hết các mini app.
Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng “Heo đất MoMo” hay “Đi bộ cùng MoMo” là những ví dụ tiêu biểu cho mini app (hay còn gọi là mini program) và chúng đều khá quen thuộc với người dùng tại Việt Nam. Ngoài những “tiểu ứng dụng” nội bộ này thì các siêu ứng dụng cũng cho phép các bên thứ ba xây dựng và phát triển mini app nhằm tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, với nhiều danh mục và đầy đủ tiện ích nhất có thể, chẳng hạn như dịch vụ di chuyển (Gojek, taxi Mai Linh), siêu thị (7-eleven, Ahamart), nhà hàng và dịch vụ ăn uống (The Coffee House, Highlands Coffee, Baemin, Be Group), dịch vụ giải trí (FPT Play, Xem phim Online) hay thậm chí là liên kết với những siêu ứng dụng khác như Lazada, Tiki,…
Những “tiểu ứng dụng” được xây dựng trên những “siêu ứng dụng”, tạo nên một hệ sinh thái nằm gọn trong siêu ứng dụng này.
Mini app được cho là xu hướng công nghệ tiếp theo, khi người dùng đã không còn muốn tải quá nhiều ứng dụng khác nhau và quá lười để đăng nhập nhiều lần cho mỗi mục đích. Đây cũng là xu hướng phát triển đầy tiềm năng trong lĩnh vực thương mại nhà phát triển có thể tận dụng lợi thế của ứng dụng nền tảng một cách nhanh chóng.
Trên thế giới, mini app trong một hệ sinh thái là một trong những mô hình phát triển rất phổ biến, nổi bật là siêu ứng dụng WeChat từ Trung Quốc. Ông lớn này đã xây dựng được một hệ sinh thái với các tiểu ứng dụng hoạt động ở nhiều lĩnh vực đa dạng: Maoyan Movie (xem lịch chiếu và đặt vé xem phim), VeryZhun (kiểm tra thông tin chuyến bay và làm thủ tục trực tuyến), Healthy Diet (ứng dụng chăm sóc sức khỏe qua bữa ăn), CoolBuy (mua sắm trực tuyến),…
II. Ưu điểm của Mini App
1. Tối ưu chi phí
So với việc phát triển các ứng dụng truyền thống, xây dựng mini app mất ít chi phí hơn và cũng ổn định hơn. Bên cạnh đó, các siêu ứng dụng luôn chào đón các đối tác làm phong phú hơn hệ sinh thái của họ bằng cách không thu phí đăng ký, điển hình là MoMo, Tiki, Shopee, Lazada và Zalo.
Tuy không tốn phí đăng ký nhưng các nhà phát triển bên thứ 3 cũng cần có hoặc thuê đội ngũ nhân viên IT riêng để phát triển mini app của thương hiệu.
2. Tận dụng được lợi thế sẵn có của các siêu ứng dụng
Tích hợp với các siêu ứng dụng, các nhà phát triển không chỉ có thể tiết kiệm thời gian xây dựng khung phần mềm với những đoạn code đã có sẵn, mà còn có thể tiếp cận đến số lượng người dùng khổng lồ mà các siêu ứng dụng đang sở hữu. Đây là một trong những dữ liệu quan trọng mà từ đó, bên thứ ba có thể có nhiều kế hoạch và chiến lược khác nhau để phù hợp và thu hút khách hàng mục tiêu của mình.
Các siêu ứng dụng là mảnh đất vàng mà các bên thứ có thể tận dụng những lợi thế sẵn có để phát triển.
3. Tăng trải nghiệm khách hàng và tạo bước đệm phát triển cho doanh nghiệp
Nếu các ứng dụng truyền thống (Native App hay Hybrid App) thường có dung lượng lớn đến rất lớn, khiến nhiều người dùng gặp tình trạng điện thoại không còn đủ dung lượng để tải hoặc ứng dụng chạy rất kém, giật lag…. thì Mini app lại có dung lượng rất thấp, ở khoảng dưới 10MB. Chính vì thế, ứng dụng có thể chạy mượt mà, mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng. Bên cạnh đó, nhờ thuộc hệ sinh thái của siêu ứng dụng, người dùng có thể sử dụng các tiện ích khác, tạo nên chuỗi thao tác và hành trình liền mạch như mua sắm, thanh toán, theo dõi đơn hàng, trợ giúp, sử dụng e-voucher,…
Hơn thế nữa, Mini app được xem như một bước đệm đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp muốn phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử để thích nghi dần với mô hình công nghệ và môi trường thương mại điện tử bởi để kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp thường phải trải qua một số giai đoạn nhất định:
- Kinh doanh trên mạng xã hội (Social commerce: Facebook, Zalo,…)
- Kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử trung gian (Lazada, Shopee, Sendo, Tiki,…)
- Mini App
- Trang web và ứng dụng thương mại điện tử cơ bản
- Trang web và ứng dụng thương mại điện tử chuyên sâu
III. Nhược điểm của Mini App
1. Không được hỗ trợ phát triển từ các siêu ứng dụng
Không có quá nhiều đơn vị hỗ trợ phát triển mini app trên nền tảng cho bên thứ ba tại Việt Nam và bản thân họ sẽ phải tìm kiếm đội ngũ IT cho riêng mình. Dù xu hướng này đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới nhưng hiện nay, chỉ có Tiki là đơn vị duy nhất có đội ngũ hỗ trợ xây dựng mini app.
2. Không sở hữu dữ liệu khách hàng
Như đã đề cập ở trên, tệp khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của doanh nghiệp để có định hướng chính xác nhất cho chiến lược phát triển. Dù có lợi thế có thể tiếp cận đến lượng người dùng khổng lồ của super app nhưng bản thân mini app lại không thu thập và làm chủ được dữ liệu người dùng bởi những thông tin này đều được lưu trữ trên server của các siêu ứng dụng.
3. Không có “ngôi nhà riêng” của thương hiệu
Nếu các ứng dụng truyền thống cho phép hình ảnh thương hiệu luôn hiện diện trước mắt người dùng, chẳng hạn như biểu tượng app luôn xuất hiện trên nền điện thoại, hiển thị thông báo (notification),… thì tiểu ứng dụng chỉ có thể được gói gọn và tìm thấy bên trong các siêu ứng dụng. Bên cạnh đó, các bên thứ ba cũng phải tuân thủ một số quy tắc khi phát triển, về framework, APIs, UI Component,… để có thể đồng bộ với siêu ứng dụng.
IV. Những nền tảng Mini App phổ biến hiện nay
Nhờ xu thế tiểu ứng dụng ngày càng phổ biến, nền tảng để xây dựng mini app cũng ngày càng nhiều hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng và phong phú của các ứng dụng công nghệ.
1. Mini App trên các ứng dụng mạng xã hội
Mạng xã hội là một trong những nơi “tề tựu” của lượng người dùng khổng lồ, với đối tượng người dùng ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính với nhiều sở thích và hành vi khác nhau. Các tiểu ứng dụng trên mạng xã hội là một dạng ứng dụng hoặc web nhỏ được tích hợp để giải quyết hạn chế giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp không cần phải cài đặt tính năng mà vẫn có được trải nghiệm nhanh chóng và tiếp cận được lượng người dùng lớn.
a. Facebook
Ông lớn Facebook là một trong những nền tảng tiên phong xây dựng hệ sinh thái mini app. Hiện nay, Facebook có 6 danh mục mini app khác nhau, phục vụ cho những mục đích khác nhau, bao gồm:
- Người tiêu dùng: những ứng dụng tích hợp các sản phẩm liên quan đến người tiêu dùng để mang đến cho người dùng ứng dụng trải nghiệm phù hợp hơn.
- Kinh doanh: những ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức quản lý Trang, Nhóm, Sự kiện, Quảng cáo và các tài sản liên quan đến quảng cáo.
- Instant Games: những ứng dụng chơi game được chơi trên Nền tảng Facebook.
- Trò chơi: những ứng dụng chơi game được chơi bên ngoài Nền tảng Facebook.
- Không gian làm việc: các ứng dụng SaaS có thể do khách hàng của Workplace cài đặt.
- Không xác định: những ứng dụng không thuộc bất cứ loại ứng dụng nào kể trên.
b. Zalo
Các tiểu ứng dụng của Zalo được gọi là Mini Program, là giải pháp được phát triển hoàn toàn dựa trên nền tảng Web (sử dụng HTML, CSS và JavaScript). Ngoài những lợi ích đã được nêu trên, mini app Zalo còn giúp bên thứ ba tạo độ tin cậy cho thương hiệu bởi tất cả nội dung và thương hiệu xuất hiện trên Zalo đều đã được xác minh.
2. Mini App trên các ứng dụng thương mại điện tử
Giống như mạng xã hội, thương mại điện tử cũng là nơi tập trung người dùng ở nhiều độ tuổi và sở thích khác nhau.
a. Shopee mini app
Shopee mini app cho phép doanh nghiệp có thể kết nối Api hoặc tích hợp ứng dụng của mình ngay trên sàn thương mại điện tử của Shopee. Thông qua nền tảng này mà những nhà phát triển tiềm năng sẽ có cơ hội tiếp cận với hơn hàng trăm triệu lượt truy cập mà Shopee mang đến trên khắp thế giới.
b. Tiki mini app
Tiki mini app được gọi là các “tiny app”. Tương tự như các mini app khác, tiny app cho phép doanh nghiệp tận dụng những tài nguyên sẵn có của “ứng dụng mẹ” và tập trung vào việc lên chiến lược xây dựng giá trị cốt lõi.
c. Lazada mini app
Với việc mini App được xây dựng dựa trên hệ thống gốc của Lazada, các Mini App phải chấp nhận sử dụng bộ nhận diện thương hiệu của sàn thương mại điện tử này, bao gồm màu sắc, bố cục, hình ảnh, fonts chữ,… Điều này tuy tạo nên sự đồng bộ trong tổng thể với siêu ứng dụng nhưng lại làm mất đi cá tính riêng của thương hiệu và sẽ khá khó khăn khi mini app muốn tách riêng để phát triển thương hiệu của mình.
3. Mini app trên các ứng dụng tài chính
MoMo mini app
Các mini app MoMo thường được thiết kế với giao diện đơn giản, tập trung vào sản phẩm và trải nghiệm người dùng, đồng thời loại bỏ đi một số phiền hà về quảng cáo. Một số tính năng trên MoMo mini app có thể kể đến như:
- Lựa chọn sản phẩm/dịch vụ
- Thêm sản phẩm/dịch vụ vào giỏ hàng
- Thanh toán trực tiếp trên MoMo
Nhờ sự đa dạng và liền mạch mà trải nghiệm mua sắm tại Mini App MoMo được tối giản hơn, bỏ qua các bước trung gian khó hiểu, giúp các doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng cao hơn so với các hình thức kinh doanh thông thường.