Ngoài việc kinh doanh trên Facebook, các cửa hàng online đang dần kết hợp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada,…. Tại sao họ lại chọn kinh doanh dưới hình thức này? Tại sao họ lại chọn Tiki, Shopee, Lazada mà không phải các trang khác? Đăng ký bán hàng trên các sàn thương mại điện tử này có dễ không? Đăng kí như thế nào? Hãy cùng LOOP tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé!
Mục lục bài viết
1. Sàn thương mại điện tử là gì? Hiện nay có bao nhiêu sàn thương mại điện tử?
Sàn thương mại điện tử có thể hiểu đơn giản là một website bán hàng trực tuyến. Đây là nơi diễn ra mọi hoạt động từ đăng ký bán hàng đến trưng bày sản phẩm, mua bán, thanh toán, chăm sóc khách hàng,… như một điểm bán hàng thông thường nhưng trên một nền tảng trực tuyến.
Sàn thương mại điện tử ra đời song song với sự phát triển của công nghệ Internet, là cầu nối giữa khách hàng và doanh nghiệp để khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn còn doanh nghiệp thì tiếp cận được nhiều khách hàng hơn
Hiện nay có rất nhiều sàn thương mại điện tử ra đời nhưng 3 ông lớn trong lĩnh vực này có thể kể đến Tiki, Shopee và Lazada.
Xem thêm: Cách Đăng Ký Bán Hàng Trên NowFood Và Những Lưu Ý Cần Biết
2. Ưu điểm khi bán hàng trên các trang thương mại điện tử
Tiết kiệm chi phí
Việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử giúp tiết kiệm được 1 khoản lớn chi phí vận hành. Bạn không phải trả tiền thuê nhà hay hoá đơn điện nước,…
Gia tăng trải nghiệm
Khách hàng không cần đến trực tiếp của hàng. Chỉ cần 1 chiếc Smartphone có kết nối Internet là có thể đặt hàng mọi lúc mọi nơi.
Tiếp cận nhiều khách hàng hơn
Bán hàng trên các sàn Thương mại điện tử cho phép bạn tiếp cận với nhiều khách hàng hơn gấp nhiều lần so với bán tại cửa hàng. Chỉ với 1 cú click chuột tìm kiếm các sản phẩm có trong danh mục bạn bán là cửa hàng của bạn sẽ được hiển thị trong danh sách tìm kiếm của khách hàng.
Xử lý nhiều đơn hàng cùng lúc
Thông thường ở những cửa hàng nhỏ chỉ có 1 – 2 máy tính tiền nên ở thời điểm khách đông, khách phải chờ đợi lâu còn bạn chỉ có thể thanh toán cho từng người. Thay vào đó, khi bán trên các trang Thương mại điện tử bạn có thể cùng lúc xử lý nhiều đơn hàng nên năng suất làm việc cao hơn từ đó chi phí thuê nhân viên cũng thấp hơn.
Dễ trưng bày sản phẩm
So với việc post bài trên fanpage thì việc trưng bày sản phẩm trên các trang Thương mại điện tử mang đến trải nghiệm tìm kiếm dễ dàng hơn cho khách hàng. Bạn có thể cùng lúc trưng bày rất nhiều sản phẩm và phân loại theo danh mục để khách hàng dễ tìm hơn. Website của cửa hàng cũng có khả năng làm điều tương tự nhưng bạn phải trả 1 khoản phí để xây dựng và quản lý Website mới có được ưu điểm này, còn ở các trang thương mại điện tử bạn có thể thừa hưởng miễn phí.
Mở rộng thị trường kinh doanh
Việc đẩy mạnh kinh doanh sang nước ngoài đã không còn quá khó khăn khi đăng ký bán hàng trên các sàn Thương mại điện tử. Giờ đây các khách hàng ở ngoài nước vẫn có thể ghé thăm cửa hàng của bạn dễ dàng và các đơn vị này cũng hỗ trợ bạn vận chuyển sang nước ngoài.
Dễ dàng tiếp cận thông tin khách hàng
Khách hàng thường có tâm lý không thích cung cấp các thông tin cá nhân cho các shop bán hàng nhưng trên các trang Thương mại điện tử thì việc thu thập thông tin dễ dàng hơn rất nhiều. Vì đây là thông tin đăng ký tài khoản của khách hàng và là thông tin cần cung cấp cho trang để hoàn tất việc thanh toán và giao hàng.
Thủ tục đơn giản và miễn phí
Chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin mà các sàn Thương mại điện tử yêu cầu là bạn đã có gian hàng. Rất nhanh chóng và không mất tiền.
Hưởng uy tín
Không cần lo việc vừa mở bán, cần nhiều thời gian để tạo dựng lòng tin với khách hàng. Bạn sẽ được hưởng uy tín từ các sàn Thương mại điện tử nhưng ngược lại bạn phải cam kết với họ về việc không bán hàng giả, hàng kém chất lượng hay không đúng với mô tả.
Tiết kiệm chi phí Marketing
Các sàn Thương mại điện tử thường rất mạnh tay chi tiền cho các hoạt động marketing để thu hút khách hàng. Bạn chỉ việc xây dựng tốt Chương trình khuyến mãi cho cửa hàng của mình, còn việc quảng bá sẽ được các trang Thương mại điện tử lo.
Được hỗ trợ giao hàng
Đa phần các sàn Thương mại điện tử thường đều có dịch vụ vận chuyển riêng hoặc có hôc trợ liên kết với các đơn vị vận chuyển. Đây là 1 lợi thế rất lớn vì tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc giao hàng.
Xem thêm: Cách Gửi Hàng Qua Viettel Post Và Những Lưu Ý Cần Biết
3. Đặc điểm của 3 sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay – Tiki, Shopee, Lazada
Tiki
Được thành lập từ năm 2010 với khởi đầu là nhà sách trực tuyến. Đến nay Tiki đã phát triển lớn mạnh và mở rộng sang kinh doanh rất nhiều ngành hàng khác như Văn phòng phẩm, Nhà cửa đời sống, Thời trang, Làm đẹp,…
Ưu điểm:
- Có chính sách đảm bảo về việc Quản lý kho hàng. Tiki sẽ bồi thường nếu xảy ra hư hỏng hay mất mác
- Có chính sách kiểm duyệt người bán rất cao nên người tiêu dùng rất tin tưởng vào hàng hoá của Tiki
- Dịch vụ khách hàng tốt
- Khâu giao hàng nhanh, dịch vụ giao hàng tốt
Nhược điểm:
- Tiki có khâu kiểm duyệt người bán rất khắt khe nên để có thể bán hàng trên sàn thương mại điện tử này bạn phải có giấy tờ chứng minh hàng hoá và phải có giấy phép kinh doanh.
- Ngành hàng chưa đa dạng như Shopee, Lazada. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu là sách
Shopee
Chỉ mới thành lập vào năm 2015 nhưng Shopee hiện đang rất được quan tâm bởi lượng hàng hoá nhiều và đa dạng. Đặc biệt hơn nữa là các chương trình khuyến mãi diễn ra rất thường xuyên thu hút lượng lớn người truy cập.
Ưu điểm:
- Có lượt khách hàng truy cập lớn
- Có hỗ trợ chi phí vận chuyển, chính sách vận chuyển cực ưu đãi
- Thời gian giao hàng nhanh
- Hỗ trợ tạo mã giảm giá cho cửa hàng
Nhược điểm:
- Với những đơn hàng không đủ điều kiện phí giao hàng thường cao
- Khâu kiểm duyệt hàng hoá chưa nghiêm ngặt nên tình trạng hàng giả và hàng bán phá giá xuất hiện thường xuyên
Lazada
Lazada là trang thương mại điện tử ra đời sớm nhất trong 3 trang (ra đời năm năm 2012). Tuy không thường xuyên quảng bá hình ảnh như 2 đối thủ còn lại nhưng Lazada vẫn được người tiêu dùng yêu mến vì sự uy tín, chuyên nghiệp.
Ưu điểm:
- Uy tín
- Được hỗ trợ chăm sóc khách hàng
- Tiềm lực quảng cáo mạnh
- Có dịch vụ giao hàng riêng và nhận thu tiền hộ
Nhược điểm:
- Quá trình đăng ký bán hàng mất nhiều thời gian
- Thời gian thanh toán cho cửa hàng chậm
- Thời gian giao hàng lâu
- Khuyến mãi đồng bộ chứ không cá nhân hoá cho từng nhóm khách hàng
Xem thêm: Làm Thế Nào Để Quản Lý Kho Vừa Hiệu Quả Vừa Tiết Kiệm Chi Phí
4. Cách đăng ký bán hàng trên 3 sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Lazada
Các bước đăng ký bán hàng trên Tiki
- Bước 1: Đăng ký
Truy cập trang https://sellercenter.tiki.vn/new/#/register và cung cấp các thông tin về cửa hàng và email người bán
- Bước 2: Cung cấp thông tin cơ bản về cửa hàng
Ở bước này người bán phải cung cấp các thông tin cơ bản theo form đăng ký
- Bước 3: Hoàn tất hồ sơ và thiết lập cửa hàng
Bằng cách đăng tải các giấy tờ và thông tin để thiết lập cửa hàng theo yêu cầu như: Thông tin liên lạc, Tài khoản ngân hàng,…
- Bước 4: Ký hợp đồng
Sau khi xác thực các thông tin bạn cung cấp, Tiki sẽ tiến hành ký hợp đồng với người đăng ký gian hàng.
- Bước 5: Tạo sản phẩm
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục đăng ký và ký kết hợp đồng, hãy đăng những sản phẩm đầu tiên lên cửa hàng của bạn.
Các bước đăng ký bán hàng trên Shopee
- Bước 1: Tạo tài khoản Shopee
Bằng cách truy cập vào trang chủ của Shopee và ấn Đăng ký ở góc trên cùng bên phải
- Bước 2: Thiết lập thông tin
Sau khi đăng ký xong hãy truy cập vào trang https://banhang.shopee.vn/ và ấn Thiết lập shop ở ô cuối cùng bên trái.
Sau đó, đăng tải ảnh đại diện shop và điền đầy đủ thông tin như: Hồ sơ shop, Địa chỉ, Cài đặt vận chuyển, Tài khoản/Thẻ ngân hàng
- Bước 3: Đăng sản phẩm
Đăng tải sản phẩm của shop bằng cách truy cập vào trang https://banhang.shopee.vn/ và ấn vào mục Sản phẩm. Sau đó tiến hành thêm ảnh và thông tin sản phẩm.
Các bước đăng ký bán hàng trên Lazada
- Bước 1: Tạo tài khoản
Bằng cách truy cập vào Kênh người bán trên trang chủ của Lazada và ấn Đăng ký
- Bước 2: Cung cấp thông tin cơ bản
Điền thông tin Lazada yêu cầu cung cấp trong form đăng ký như: Loại hình kinh doanh, Tên gian hàng, Số điện thoại/email,…
- Bước 3: Điền thông tin bán hàng
Điền đầy đủ thông tin về gian hàng như: Mã số Giấy phép đăng ký kinh doanh, Mã số thuế, Chứng minh nhân dân, Tài khoản ngân hàng,…
- Bước 4: Đăng tải giấy tờ
Đăng tải các giấy tờ theo yêu cầu của Lazada như: Chứng minh nhân dân, Giấy phép đăng ký kinh doanh,…
- Bước 5: Hoàn tất đăng sản phẩm trên Lazada
Đăng những sản phẩm đầu tiên của bạn để hoàn tất thủ tục đăng ký.
Trên đây là các bước cơ bản để đăng ký bán hàng trên 3 trang thương mại điện tử lớn nhất hiện nay để bạn có được cái nhìn sơ bộ về quy trình đăng ký bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Có thể thấy quy trình đăng ký bán hàng của cả 3 trang tương đối đơn giản, không mất nhiều thời gian và hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó cả 3 còn cung cấp các khóa đào tạo bán hàng để training các kỹ năng bán hàng cần thiết cho người bán góp phần gia tăng số lượt truy cập và tỷ lệ chốt đơn thành công vì mục đích mang đến lợi ích cho cả 2 bên.
Hy vọng qua bài viết này bạn đã lựa chọn được cho mình trang thương mại điện tử phù hợp để bán hàng cũng như biết cách để đăng ký bán hàng trên Tiki, Shopee và Lazada.