Social commerce là gì? Tầm quan trọng của social commerce

Social Commerce là gì

Một nhánh của e-commerce (thương mại điện tử) – social commerce được đánh giá là xu hướng phát triển đầy tiềm năng, tạo nên một kỷ nguyên thương mại 4.0 với tiềm năng to lớn và phù hợp với nền kinh tế thời đại mới. Trong thời kỳ bình thường mới và sống chung với dịch, social commerce càng chứng tỏ được vai trò của mình đối với người dùng lẫn nhà bán hàng.

Social commerce là gì?

Là sự kết hợp của Social Media – mạng xã hội và Commerce – thương mại, Social Commerce là bước phát triển tiếp theo của Thương mại điện tử E-commerce. Khái niệm Social commerce hay còn được biết đến với cái tên “thương mại trên mạng xã hội” đã bắt đầu nhen nhóm từ năm 2005, khi Yahoo còn là kẻ thống trị thế giới ảo và rào cản giao tiếp online đã không còn quá lớn. Giờ đây, khi mạng xã hội trở thành một trong những đường đua chính của hàng loạt các doanh nghiệp thì social commerce đã tiến đến một tầm cao mới.

Nếu trước đây chỉ có một số ít lựa chọn truyền thông online “kiểu cũ” như trang web doanh nghiệp, email hay mới hơn là các sàn thương mại điện tử thì với thời đại của social commerce, các doanh nghiệp đã có thể tiếp cận đến những cộng đồng trên thế giới ảo, kết nối đến số lượng lớn người dùng thường xuyên sử dụng Facebook, Youtube hay Instagram. Theo thống kê, Facebook – mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay có đến 2,91 tỷ người dùng hàng tháng, tương đương 79% số lượng người dùng. Hãy thử tưởng tượng, bạn chỉ cần ngồi một chỗ và đăng tải thì đã có gần 3 tỷ người có thể tiếp cận đến sản phẩm của bạn từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Hơn thế nữa, mạng xã hội cho phép các doanh nghiệp nhìn thấy được phản hồi của khách hàng một cách tức thì, thông qua các chỉ số về lượt tiếp cận, lượt yêu thích, lượt yêu thích trang,… theo đó là những dữ liệu về tỷ lệ chuyển đổi giúp các nhà quảng cáo có thể tính toán chính xác kế hoạch tiếp thị kế tiếp. Những dữ liệu này từ mạng xã hội còn có thể nói cho doanh nghiệp biết rằng khách hàng có yêu mến thương hiệu không và đang yêu thích những xu hướng nào.

Tại Việt Nam, social commerce cũng không còn quá xa lạ, hay thậm chí là rất phổ biến tính đến thời điểm hiện tại. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những bài viết quảng cáo sản phẩm trên Facebook, những video trên TikTok hoặc cũng có thể là lời giới thiệu từ một người nổi tiếng nào đó được đăng trên trang cá nhân của họ.

Social commerce ở Việt Nam và những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp

Dễ dàng tăng độ nhận diện hơn so với các kênh truyền thông khác

Ai cũng phải công nhận rằng thế giới ảo đã góp phần bình thường hóa định nghĩa của mức độ nổi tiếng khi những thông tin, hình ảnh tiếp nhận được không còn bị giới hạn bên trong ti vi hay những tấm biển quảng cáo ngoài trời. Với mạng xã hội, mọi chuyện đều có thể xảy ra và có thể chỉ sau một đêm, dù là ở trong nước hay ngoài nước, mọi người đều sẽ biết được bạn là ai. 

Với mạng xã hội, các thương hiệu có vô vàn những cách thức để tạo nên độ phủ sóng, có đôi khi chỉ là một bài đăng vui nhộn cũng có thể tạo nên cơn sốt. Nhìn lại năm 2020, khi Gucci tạo nên xu hướng thay đổi hình đại diện theo chiến dịch trên trang Facebook bằng một bức hình với nét chữ nguệch ngoạc như học sinh lớp Ba, khiến hàng loạt người dùng Facebook trên toàn thế giới hưởng ứng và đồng loạt “ăn theo” chiếc ảnh đại diện này.

Chiến dịch vô cùng trending của Gucci
Gucci và chiến dịch giới thiệu bộ sưu tập thời trang nam Thu – Đông 2020 gây bão mạng xã hội
Sự ảnh hưởng bởi chiến dịch của Gucci
Hàng loạt các tài khoản cá nhân lẫn fanpage nhiều lượt follow cũng phải bắt trend của Gucci.

Không chỉ thế, mạng xã hội còn cho phép sự phát triển của các hình thức marketing khác, mà nổi bật nhất phải kể đến KOL Marketing – hình thức tiếp thị dựa trên sức ảnh hưởng của một cá nhân hay tập thể được nhiều người biết đến trên mạng xã hội.

Tiết kiệm chi phí quảng bá

Tính toán theo mức trung bình, thì để có một website doanh nghiệp truyền thống thì cần phải mất đến hơn 4 triệu đồng. Đó là chưa kể đến những phát sinh chi phí khác như chi phí duy trì tên miền hằng năm, chi phí chạy SEO trên nền tảng Google, chi phí thiết kế hình ảnh và chuẩn bị nội dung,….  

Trong khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tạo một tài khoản cá nhân để tiếp cận đến khách hàng mà không cần tốn một khoản chi phí nào. Nếu có chiến lược đúng đắn cùng nội dung phù hợp, không hề khó để doanh nghiệp trở thành “ngôi sao” trên mạng xã hội, hay thậm chí tạo ra một cộng đồng những người yêu thích và từ đó trở thành khách hàng trung thành của thương hiệu.

Dễ dàng đo lường hiệu quả của chiến dịch

Xu hướng social commerce lớn mạnh đến nỗi các nền tảng mạng xã hội đã dần được nâng cách để phù hợp với thói quen người dùng và tất nhiên cũng nhằm gia tăng doanh thu. Meta – công ty mẹ của các nền tảng lớn như Facebook, Instagram,… đã bổ sung nhiều tính năng phục vụ cho mục đích thương mại mạng xã hội như chạy quảng cáo, tính năng thống kê lượt tương tác, lượt xem video hay thậm chí là thông tin người dùng như giới tính, tuổi, nơi ở, sở thích và hành vi tiêu dùng.

Báo cáo và đề xuất của Facebook
Tính năng báo cáo – thống kê của Facebook cho phép doanh nghiệp hiểu hơn về khách hàng của mình.

Tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo cho khách hàng

Có lẽ ai cũng nhận ra rằng, khi mua hàng trên các trang web bán hàng, người dùng sẽ thường mất nhiều thời gian cho vấn đề vận chuyển hay đổi trả hàng và khách hàng không có quá nhiều sự lựa chọn về mặt sản phẩm. Phương thức thanh toán cũng gặp nhiều hạn chế do thiếu tính bảo mật khi khách hàng muốn sử dụng thẻ để thanh toán.

Nếu các trang web bán hàng trực tuyến thường bị đóng khung về mặt giao diện và quy trình mua hàng, thì thương mại điện tử lại khó có mang đến cho khách hàng sự tư vấn, chăm sóc chu đáo. Giữa một “rừng” gian hàng bán những sản phẩm tương tự nhau, người mua sẽ gặp nhiều khó khăn để tìm ra người bán đáng tin cậy.

Ngay lúc này, mạng xã hội lại trở thành vị cứu tinh khi có thể giải quyết vấn đề uy tín với các tài khoản chính thức của cá nhân hoặc thương hiệu (có dấu tick xanh) và cho phép phản hồi nhanh chóng, tức thì với tính năng chat. Hiện nay có hơn 74% người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, không quá khó để nhận ra social commerce ở Việt Nam vô cùng phát triển và là mảnh đất vàng để các doanh nghiệp địa phương (local brand) chạy đua doanh số thông qua các loại nội dung ấn tượng, bao gồm cả hình ảnh, video lẫn câu từ hay thậm chí là những trò chơi tương tác trên điện thoại thông minh. Chính sự phong phú về mặt nội dung đã tạo nên những trải nghiệm mới cho khách hàng khi tìm mua sản phẩm của doanh nghiệp trên mạng xã hội.

Thúc đẩy doanh số bán hàng cho doanh nghiệp

Với những lợi thế từ cộng đồng người dùng lớn mạnh, các tính năng hỗ trợ quảng bá – tiếp thị và trải nghiệm đa dạng mà khách hàng có được khi mua sắm, mạng xã hội tiếp cận đến khách hàng ở khắp mọi nơi và vào bất cứ lúc nào, miễn là họ có một chiếc điện thoại thông minh trên tay. Tần suất xuất hiện thường xuyên ngày càng tăng tương đương với tỷ lệ chuyển đổi cũng ngày càng khả quan.

Social commerce ở Việt Nam và  nền tảng phổ biến nhất hiện nay

Facebook

Đứng đầu danh sách các nền tảng thương mại mạng xã hội (hay còn gọi là Social commerce platforms) phổ biến nhất Việt Nam chính là Facebook. Thành viên thuộc tập đoàn Meta sở hữu số lượng người dùng chiếm hơn 77% dân số Việt Nam, chiếm 94% tổng số người dùng mạng xã hội.

Nguyên nhân của sự nổi trội này là nhờ hệ thống chatbot (tính năng trò chuyện trực tuyến với khách hàng) trên fanpage, khiến khách hàng có một trải nghiệm mua hàng nhanh chóng và được cá nhân hóa. Chỉ cần nhập liệu sẵn một vài câu hỏi và câu trả lời thường gặp, thương hiệu đã nhanh chóng giải đáp thắc mắc của một số lượng lớn khách hàng, từ đó nâng cao tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng.

Zalo

Khá bất ngờ khi một nền tảng mạng xã hội đến từ Việt Nam lại có thể dừng chân ở vị trí thứ hai, đánh bại các đối thủ quốc tế khác. Sở hữu giao diện dễ sử dụng, thân thiện với thói quen của người Việt cùng những đặc tính tiện lợi khi trò chuyện online, điển hình như tính năng cho phép gửi hình ảnh ở chế độ HD, Zalo ngày càng có chỗ đứng vững vàng trong cuộc đua mạng xã hội trên thị trường Việt Nam. Tính năng “nhật ký” – nơi người dùng có thể đăng tải hình ảnh, bài đăng cũng được phát triển, khiến Zalo trở thành một mạng xã hội toàn diện.

Không chỉ thế, Zalo còn là nền tảng phát triển các “tiểu ứng dụng”, hay còn gọi là mini-app khác nhau, từ đó đa dạng hoá tính năng và trải nghiệm của người dùng

Zalo Mini App
Một trong những mini app trên Zalo

Instagram

Là anh em một nhà với Facebook, Instagram sở hữu hơn 11,6 triệu người dùng tại Việt Nam tính đến đầu năm 2022, trong đó 63% là nữ và 27% là nam giới. So với các nền tảng khác, Instagram có lượng người dùng thấp hơn do quy định hạn chế dành cho người dưới 13 tuổi, đồng thời ưu tiên các nội dung về hình ảnh và video ngắn với tính năng Reels, cho phép người dùng quay và chỉnh sửa các video ngắn với các hiệu ứng và nhạc nền đa dạng. Tính năng này được Instagram phát triển nhằm cạnh tranh với TikTok của Bytedance.

TikTok

TikTok – nền tảng video ngắn nổi tiếng thế giới sở hữu khoảng 39,91 người dùng tại Việt Nam. Bật lên như một hiện tượng khi chỉ vừa ra mắt vào năm 2016, TikTok được đánh giá rất cao và được xem là đối thủ duy nhất xứng tầm để cạnh tranh cùng Facebook. Cũng như Instagram, TikTok giới hạn độ tuổi người dùng dưới 13 tuổi; đồng thời, để thúc đẩy cho lĩnh vực social commerce, TikTok đã phát triển tính năng TikTok Shop và cho phép quảng cáo trên nhiều mục và vị trí khác nhau.

Tiktok shop - 1 xu hướng của social commerce
TikTok Shop đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ chóng mặt

Social commerce ở Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ vào những cải tiến trong công nghệ cũng như thay đổi thói quen người dùng: online nhiều hơn, mua sắm trực tuyến nhiều hơn và hạn chế giao dịch tiền mặt. Chính vì thế, người bán và các doanh nghiệp cần có những chiến lược đúng đắn và phù hợp để tận dụng sự phát triển của xu hướng và tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng.

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x