Đúng là nếu thay ống hút nhựa bằng ống hút cỏ hay thay túi nilông bằng túi giấy là góp một tay bảo vệ môi trường. Nhưng nếu cứ xài thoải mái ống hút cỏ, túi giấy thì chưa hẳn môi trường được bảo vệ
Mục lục bài viết
1. Xanh thật sự là gì?
Gần đây, chúng ta nghe rất nhiều về từ “xanh”, mọi người hay nói với nhau, rằng “hãy sống xanh lên”, “cần khởi nghiệp xanh vì môi trường”. Nhưng liệu rằng, bạn có đang thực sự hiểu “xanh” có ý nghĩa như thế nào hay chỉ là chạy theo hiệu ứng đám đông đơn thuần.
“Xanh” có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng quan trọng nhất “xanh” là điều được tạo ra thông qua việc ý thức được vấn đề môi trường và đặc biệt là phải gắn nó với những giá trị bền vững. Chắc hẳn những hình thành trong chúng ta khi nhắc đến “xanh” sẽ mang sự tích cực nhiều hơn. Ở một khía cạnh khác, Greenwash – “nhuộm xanh” – một thuật ngữ để nói về sự đánh bóng thương hiệu bằng mác thân thiện môi trường hay đó là khi giá trị thiên nhiên bị lợi dụng. Họ tạo ra những sản phẩm xanh không đúng nghĩa rồi tuyên truyền tới mọi người rằng sản phẩm của chúng tôi thân thiện với môi trường, và bạn có thể tin dùng.
Họ tạo ra những sản phẩm xanh “bám mùi” ngưỡng mộ của mọi người, nhưng chúng ta nên tỉnh táo và nhớ lại rằng, “xanh” là điều được tạo ra từ ý thức bao gồm cả nhận thức. Trước khi sử dụng một sản phẩm thay thế nào được cho là thân thiện với môi trường, đừng vội mang suy nghĩ “à, vì nó thân thiện với thiên nhiên, nên mình cứ dùng thoải mái thôi”. Ai là người đảm bảo cho chất lượng thân thiện của sản phẩm, ai sẽ đảm bảo quá trình sản xuất của họ là bền vững; là tối giản những tác động tiêu cực tới môi trường.
Những sản phẩm được tạo từ “vật liệu thân thiện môi trường” thật sự đóng góp gì cho việc bảo vệ môi trường? Hay đổi lại là sẽ có thêm một diện tích lớn đất đai, nước, nhân công, máy móc thiết bị dồn vào việc sản xuất những vật dụng chỉ sử dụng trong vòng mấy phút. Khi người ta an tâm rằng mình đang đối xử tốt với môi trường, người ta sẽ vẫn giữ mức tiêu thụ thực phẩm, đồ dùng và mọi thứ khác ở một mức độ nhiều hơn so với nhu cầu như hiện nay.
Trở nên có trách nhiệm thực sự, có cái nhìn toàn diện hơn về hành trình sống xanh; bước đi vững chãi nhất là bước đi bền vững nhất; tất cả những hình thức bảo vệ môi trường đều không dễ làm, chỉ khi chấp nhận và muốn thay đổi chúng ta mới làm được.
2. Xu hướng Organic
Cách đây khoảng 1-2 năm, một vài người bạn của tôi bắt đầu chia sẻ nhiều về rác thải nhựa, sau đó tập trung vào tác hại của ống hút nhựa, tôi thấy các bạn rất tích cực trong việc phổ biến thông tin bảo vệ môi trường, cũng khá ngưỡng mộ. Một thời gian sau, các bạn đăng bán ống hút kim loại. Loại ống hút này khá bất tiện vì phải tẩy rửa, nên tiêu thụ không tốt lắm. Sau đó, có bạn bán ống hút tre, rồi ống hút gạo.
Mới đây trên Shark Tank vừa có một start-up kêu gọi đầu tư được các nhà đầu tư tranh giành quyết liệt, với dự án sản xuất ống hút cỏ đã và đang thành công. Khởi nghiệp thành công, kiếm được tiền, tạo việc làm cho xã hội là việc tốt. Góp phần bảo vệ môi trường lại càng tốt hơn. Tuy nhiên ống hút cỏ, túi giấy hay các vật dụng được tạo từ “vật liệu thân thiện môi trường” thật sự đóng góp gì cho việc bảo vệ môi trường?
Khi tham dự một khóa tập huấn về lồng ghép môi trường vào các hoạt động dự án trước đây, tôi khá ngạc nhiên khi biết rằng việc trồng lúa nước phát thải nhiều khí (cụ thể là mêtan CH4) gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo cũng là một ngành sản xuất được cho là tiêu phí nhiều nước sạch. Nhưng chúng ta có thể không ăn cơm sao? Và nếu không ăn lúa gạo nữa, chuyển sang ngũ cốc, bánh mì, thậm chí là thuần rau xanh thì sao? Cũng vậy, có thứ nào không phải từ môi trường mà ra? Việc sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ có khâu nào không tác động xấu đến môi trường?
Lại nói về việc “thực phẩm sạch” hay siêu sang chảnh là “hữu cơ” (organic), những thứ này có giải quyết vấn đề môi trường không? Không, nó chỉ tốt cho sức khỏe con người mà thôi. Bởi vì nếu sản xuất hoàn toàn hữu cơ thì sản lượng sản xuất ra sẽ không thể nào đủ cung ứng cho nhu cầu khổng lồ của con người ở thời điểm hiện tại. Nhưng đó có phải là giải pháp không? Cũng không, đó cũng chỉ là một hình thức con người đang tiêu tốn tài nguyên trái đất một cách “hữu cơ” mà thôi.
3. Bỏ hẳn ống hút, túi giấy?
Quay lại thay đổi ống hút nhựa bằng ống hút cỏ có tốt không? Có, điều đó giúp con người không thải thêm nhựa khó phân hủy ra môi trường nữa.
Nhưng đổi lại là sẽ có thêm một diện tích lớn đất đai, nước, nhân công, máy móc thiết bị dồn vào việc sản xuất ống hút cỏ, ống hút gạo, giấy hay các loại ống hút khác và nguy hiểm là ở chỗ: khi an tâm rằng mình đang đối xử tốt với môi trường, người ta sẽ vẫn giữ mức tiêu thụ thực phẩm, đồ dùng và mọi thứ khác ở một mức độ mà tôi cho rằng quá nhiều so với nhu cầu như hiện nay.
Ngay cả lúa gạo – một loại lương thực cơ bản – vẫn là một nguyên nhân gây hại cho môi trường, thì nói gì đến một cái ống hút – thứ có thể lược bỏ.
Tại sao là ống hút cỏ mà không phải là bỏ hẳn ống hút? Hay giảm uống một ly trà sữa mỗi tuần? Tại sao là túi giấy mà không phải là bỏ hẳn túi đi? Đồng ý là mọi thứ cần quá trình, nhưng nếu bước đệm quá êm đềm thì sẽ rất lâu người ta mới bỏ.
Tóm lại: việc thay thế các vật liệu khó phân hủy, có hại cho sức khỏe, trước hết là tốt. Tuy nhiên nếu vì vậy mà an tâm rằng mình không hề hại gì cho môi trường mà thoải mái tiêu thụ tài nguyên thì vẫn là lợi bất cập hại.
Một nghiên cứu được đăng tải trên phiên bản trực tuyến của Nature Climate Change cho biết: Nhiều khí carbon dioxide hơn trong khí quyển và nhiệt độ tăng cao là nguyên nhân khiến cho việc trồng lúa phát thải nhiều khí mê-tan (CH4) gây hiệu ứng nhà kính/kg gạo sản xuất ra.
Báo cáo của Bộ Tài nguyên môi trường Việt Nam công bố năm 2014 cho thấy, lượng phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp chiếm 38,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia, trong đó phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa nước chiếm 50,5%.