Tầm Quan Trọng Của Giá Vốn Hàng Bán Đối Với Hoạt Động Kinh Doanh?

tầm quan trọng của giá vốn hàng bán đối với hoạt động kinh doanh

Giá vốn hàng bán hay còn gọi là giá COS, là những chỉ tiêu thường xuyên được nhắc đến trong các Báo cáo tài chính hay các Báo kết quả hoạt động kinh doanh. Vậy giá vốn hàng bán là gì? Giá vốn hàng bán đóng vai trò gì trong hoạt động kinh doanh? Tính giá vốn hàng bán như thế nào?

Khi kinh doanh bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào, yếu tố hàng đầu mà các chủ doanh nghiệp quan tâm luôn là hiệu quả hay cụ thể hơn là lợi nhuận. Giá vốn hàng bán là chỉ tiêu chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số tài sản lưu động của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty. Do đó chúng ta hãy cùng tìm hiểu thật kỹ về chỉ tiêu quan trọng này để điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả.

1. Giá vốn hàng bán là gì?

Giá vốn hàng bán hay còn gọi là Cost of Goods Sold (COGS) hoặc Cost of Sales (COS). Hiểu một cách đơn giả, giá vốn hàng bán là tất cả những chi phí để tạo ra sản phẩm. Hay trong một số tài liệu, giá vốn hàng bán là trị giá vốn của hàng hoá đã tiêu thụ trong kì. Đây còn được xem là phần chi phí doanh nghiệp bỏ ra để tạo nên doanh thu.

giá vốn hàng bán là gì

Đối với các công ty sản xuất, giá vốn hàng bán sẽ bao gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp tham gia vào dây chuyền tạo ra sản phẩm,…

Còn đối với các doanh nghiệp thương mại thì chỉ tiêu này sẽ bao gồm tổng chi phí từ lúc mua hàng đến khi hàng có mặt tại kho của bạn. Tức là bao gồm chi phí mua hàng, chi phí vận chuyển hàng hoá, thuế giá trị gia tăng, chi phí kho,…

Xem thêm: Vì Sao Cần Lập Kế Hoạch Kinh Doanh Trước Khi Bắt Đầu

2. Tầm quan trọng của giá vốn hàng bán

Giá vốn hàng bán phản ánh giá trị hàng hoá tại thời điểm bạn nhập vào kho, là cơ sở để bạn định giá sản phẩm. Hơn nữa, thị trường kinh doanh với những biến đổi không ngừng, giá cả hàng hoá cũng vì vậy mà không ổn định. Mỗi doanh nghiệp luôn sở hữu nhiều mặt hàng với nhiều mẫu mã khác nhau. Việc hạch toán giá vốn hàng bán giúp bạn quản lý chi phí của doanh nghiệp một cách chi tiết và chính xác.

Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán còn là một chỉ tiêu quan trọng trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, là cơ sở để tính lợi nhuận gộp – chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

tầm quan trọng của giá vốn hàng bán

3. Các phương pháp tính giá vốn hàng bán phổ biến

Theo thông tư 200 của Bộ Tài Chính thì giá vốn hàng bán có thể tính theo 3 cách: nhập trước xuất trước hay còn gọi là FIFO, đơn giá bình quân gia quyền và thực tế đích danh .

Tính giá vốn hàng bán theo phương pháp FIFO (Nhập trước xuất trước)

Theo phương pháp FIFO, hàng tồn kho nào được mua hoặc sản xuất trước thì xuất kho trước và đơn giá xuất kho bằng đơn giá nhập kho.

Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp giá cả hàng hoá ổn định hoặc có xu hướng giảm. Phương pháp FIFO phù hợp với các mặt hàng thiết yếu và có hạn sử dụng ngắn như: mỹ phẩm, thuốc,…hoặc các mặt hàng điện tử, điện máy không được lưu kho quá lâu để đảm bảo chất lượng.

Ưu điểm của phương pháp tính giá vốn hàng bán này là giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng ước tính được giá trị hàng hoá xuất kho trong từng lần và cung cấp kịp thời cho kế toán. Ngoài ra, chỉ tiêu hàng tồn kho ở phương pháp FIFO có tính thực tế hơn trong các báo cáo tài chính nhờ giá trị tương đối giống với giá thị trường.

Tuy nhiên điểm hạn chế là khi giá tăng, giá vốn hàng bán tính theo phương pháp này sẽ thấp hơn. Trong điều kiện lạm phát, phương pháp này sẽ làm tăng thu nhập ròng từ đó làm tăng Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhược điểm thứ hai đó là việc hạch toán của phương pháp này sẽ vô cùng phức tạp nếu doanh nghiệp kinh doanh hoặc sản xuất nhiều mặt hàng và phải xuất nhập kho thường xuyên.

phương pháp tính giá vốn hàng bán

Tính giá vốn hàng bán theo phương pháp bình quân gia quyền

Phương pháp này được chia làm 2 loại dựa trên thời điểm hạch toán khác nhau

  • Phương pháp bình quân gia quyền tại thời điểm cuối kỳ

Cách tính của phương pháp này như sau:

Đơn giá bình quân trong kỳ của 1 loại sản phẩm = (Giá trị hàng tồn kho trong kỳ + Giá trị hàng nhập kho trong kỳ)/(Số lượng hàng tồn kho trong kỳ + Số lượng hàng nhập kho trong kỳ)

Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện, không mất nhiều thời gian đo chỉ tính một lần vào cuối kỳ.

Tuy nhiên nhược điểm khi tính giá vốn hàng bán theo cách này là độ chính xác không cao, một thông tin sai lệch sẽ dẫn đến sai sót hàng loạt, khiến cho việc tính toán lợi nhuận gộp cũng sẽ cho ra kết quả sai. Đồng thời việc tính toán diễn ra vào cuối kỳ khó đáp ứng thông tin kịp thời cho kế toán.

  • Phương pháp bình quân gia quyền tức thời

Ngược lại với phương pháp bình quân gia quyền ở trên, ở phương pháp bình quân gia quyền tức thời, cứ mỗi lần nhập kho là kế toán phải xác định ngay giá trị thực của hàng tồn kho theo công thức sau:

Đơn giá xuất kho lần thứ i =  (Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng nhập kho trước lần xuất thứ i)/(Số lượng hàng tồn kho đầu kỳ + Số lượng hàng nhập kho trước lần xuất thứ i)

Ưu điểm của phương pháp này đó là khắc phục được những hạn chế của phương pháp bình quân gia quyền cuối kỳ nhưng cũng như phương pháp FIFO, tính giá vốn hàng bán theo phương pháp này chỉ áp dụng được với các doanh nghiệp có ít chủng loại hàng hoá và có tần suất xuất nhập kho ít.

  • Phương pháp thực tế đích danh

Phương pháp tính giá vốn hàng bán này thường áp dụng cho các doanh nghiệp quản lý hàng hóa theo lô. Giá trị hàng xuất kho được tính theo nguyên tắc là hàng hoá xuất kho thuộc lô hàng nhập nào thì lấy giá nhập kho của lô hàng đó để tính.

Do đó mà đây được cho là phương pháp có độ chính xác cao nhất, giá trị hàng tồn kho phản ánh đúng giá trị thực tế nhất. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng được phương pháp này, chỉ những doanh nghiệp có ít mặt hàng và các mặt hàng này phải ổn định, dễ nhận diện thì mới có thể áp dụng.

4. Một số lưu ý

– Ở những công ty có tần suất xuất nhập kho thường xuyên rất dễ xảy ra sai sót hoặc gian lận hàng tồn kho gây ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp của công ty

– Do có nhiều phương pháp tính giá vốn hàng bán và mỗi phương pháp đều cho ra những kết quả khác nhau. Do đó, doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình 1 phương pháp phù hợp và đảm bảo tính nhất quán trong tất cả các kỳ để việc phân tích kết quả hoạt động kinh doanh được chính xác.

– Việc định giá hàng tồn kho (giá vốn hàng bán) cần phải chính xác tuyệt đối để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả của các chu trình có liên quan và ảnh hưởng đến kết quả của báo cáo tài chính.

– Cần lưu ý dự phòng khoản giảm giá hàng tồn kho. Do hàng hoá ở các doanh nghiệp thường được lưu trữ ở nhiều vị trí với những điều kiện bảo quản khác nhau nên khó tránh việc hao mòn tài sản dẫn đến giảm giá trị của hàng hoá.

lưu ý tính giá vốn hàng bán

Có thể thấy, giá vốn hàng bán đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định hiệu quả kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đều phải lựa chọn cho mình 1 phương pháp tính toán phù hợp. Đồng thời, cần quan tâm đến các lưu ý trong việc tính giá vốn hàng bán để tránh những sai sót đáng tiếc cho doanh nghiệp của mình. Nếu như vẫn còn đang phân vân trong việc lựa chọn phương pháp cũng như bối rối trong việc quản lý hàng tồn kho, hãy tham khảo qua phần mềm Quản lý kho – LOOP Inventory với các tính năng tích hợp đầy ưu việt. LOOP Inventory không chỉ giúp bạn kiểm soát quá trình xuất nhập kho mà còn tính toán giá trị tồn kho và cập nhật hàng hóa nhanh chóng lên hệ thống để bạn có thể theo dõi 24/7.

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x